Thích Công Nghệ.Com - Kể từ ngày 15/6/2016, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quyết định ngưng phát sóng 7 kênh truyền hình bằng tín hiệu analog tại các thành phố lớn của Việt Nam. Và lý do là...


Tuổi thơ của những 8x, 9x gắn liền với một cảnh tượng cực kỳ quen thuộc: bố loay hoay trên mái nhà, bản thân thì chạy ra chạy vào, miệng bắc loa gào vọng lên: Chưa được đâu bố ơi!

Vâng! Đó là cảnh chỉnh ăng-ten chữa nhiễu cho chiếc TV từ... đời Tống. Và kể từ hôm nay, 15/6/2016, cảnh tượng của tuổi thơ này sẽ bắt đầu chìm dần vào quá khứ khi Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) quyết định ngưng phát sóng 7 kênh truyền hình bằng tín hiệu analog.

Theo đúng lộ trình, đến năm 2018, toàn bộ các kênh truyền hình bằng tín hiệu analog sẽ bị ngưng phát sóng trên toàn quốc. Nhưng từ từ đã nào! Rốt cục, analog là cái gì và nó có liên quan gì đến cái ăng-ten chứ?

Analog - công nghệ gắn liền với tuổi thơ

Khi những chiếc TV đen trắng ra đời, công nghệ analog - còn gọi là truyền hình mặt đất - cũng xuất hiện, và nó gắn liền với bộ ăng-ten trên nóc nhà bạn, hoặc đôi râu ăng ten chỉa ra trên nóc TV.


Hiểu nôm na, analog chính là công nghệ sơ khai của ngành truyền hình, là công nghệ của tuổi thơ chúng ta. Nó truyền đi các tín hiệu analog hình sin - giống như sóng radio, sóng ánh sáng, sóng âm thanh - và thứ nhận được nó chính là những chiếc ăng-ten trên TV.

Cái hay của truyền hình analog là chi phí cực rẻ, dễ lắp đặt, và trên hết chúng ta được sử dụng hoàn toàn miễn phí, vì nhà đài đã có doanh thu từ quảng cáo.


Đây là hình ảnh quen thuộc khi sử dụng truyền hình analog

Thế nhưng vì là sóng, analog dễ bị ảnh hưởng từ các tín hiệu và thiết bị bên ngoài, dễ bị nhiễu hoặc tín hiệu kém đi, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu. Và đó cũng chính là lý do analog mất dần vị thế vào tay công nghệ truyền hình sử dụng tín hiệu số (digital).

Digital - tương lai của truyền hình

Ra đời từ năm 1990 và trải qua một khoảng thời gian hoàn thiện, đến năm 2000, nhiều quốc gia đã lên kế hoạch thực hiện lộ trình số hóa truyền hình, chuyển đổi từ analog sang công nghệ số.

Công nghệ truyền hình cáp trước kia cũng sử dụng tín hiệu analog, truyền tải sóng qua cáp đồng. Nhưng kể từ những năm 2000, các nhà đài cũng đã chuyển đổi sang truyền hình cáp kỹ thuật số.

Tại sao lại phải chuyển? Nguyên nhân là vì tín hiệu số sử dụng hệ nhị phân, với hai giá trị 0 và 1, nên không thể tiếp nhận các giá trị phân mảnh nào khác.

Tín hiệu số có thể giữ nguyên cấu trúc, cho phép truyền tín hiệu một cách ổn định và liên tục mà không bị nhiễu bởi các loại sóng khác.


Đây chính là lý do phải chuyển

Nhờ vậy, các thiết bị sử dụng tín hiệu số có thể truyền tải kênh truyền hình với độ nét cao, chất lượng ổn định, hình ảnh sắc nét và âm thanh sinh động hơn.

Có điều, để nhận được tín hiệu số, chúng ta cần bổ sung một thiết bị tiếp nhận tương thích. Ngoài ra phí duy trì của tín hiệu số cũng cao hơn, và do đó các thuê bao sẽ phải trả một khoản phí cho nhà đài.

Tuy vậy, với những lợi thế quá lớn, nhiều người sẵn sàng bỏ ra một khoản phí để được xem các kênh truyền hình số. Và đó sẽ là một xu hướng tất yếu, vì đến năm 2018, toàn bộ các kênh truyền hình Analog sẽ bị khai tử.

Nguồn: Frequent Study
theo Kenh14/TTVN

Bình Luận

Tất cả các nhận xét của các bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng tải, do vậy nhận xét của bạn gửi sẽ tạm thời chưa hiện nhé.

 
Lên