Thích Công Nghệ.Com - Trí tuệ, sự nổi tiếng cùng hàng triệu USD là những gì Nick D'Aloisio có khi mới ở tuổi 17.

Tháng 3/2013, tập đoàn Yahoo mua lại phần mềm ứng dụng Summly của cậu học sinh 17 tuổi - Nick D’Aloisio với giá 30 triệu đô la Mỹ. Từ đây, Nick nằm trong top những doanh nhân triệu phú tuổi teen trên thế giới.

Đam mê công nghệ từ nhỏ

Nick D'Aloisio (tên đầy đủ Nicholas D'Aloisio-Montilla) sinh năm 1995, tại Anh. Cha của D'Aloisio là nhà phân tích kinh tế, làm việc trong ngân hàng Morgan Stanley, còn mẹ cậu là luật sư. Cả hai đều là người Úc.

Vốn thích sự cân bằng trong học tập, Nick D'Aloisio lựa chọn học chuyên cả toán và triết học. Trước khi trở nên nổi tiếng, D’Aloisio chưa từng tham gia bất kỳ lớp học máy tính chính thức nào. Ngay cả bố mẹ cậu cũng biết rất ít về công nghệ. D’Aloisio đã tự nghiên cứu về lập trình, mò mẫm học qua các website và các video hướng dẫn.



Cậu bé đã bán phần mềm ứng dụng Summly cho tập đoàn Yahoo.

D'Aloisio đam mê công nghệ từ khi còn rất nhỏ. Cậu chia sẻ: “Tôi thích những chi tiết nhỏ và luôn muốn khám phá chúng. Máy tính là một trong những niềm đam mê lớn nhất của tôi”.

Lên 5 tuổi, D'Aloisio bị mê hoặc bởi các thiên hà và hệ mặt trời. Cậu tự ghi nhớ toàn bộ chòm sao. 10  tuổi,  D'Aloisio bắt tay vào nghiên cứu, thiết kế những ứng dụng iPhone.

Khi tìm thông tin cho các môn học trong hệ thống GCSE (chương trình giáo dục ở Anh với trên 40 môn học, gồm các môn khoa học xã hội, công nghệ, các môn sáng tạo, rất nhiều ngôn ngữ cổ và hiện đại...)  D'Aloisio nảy ra nhiều ý tưởng. Cậu bắt đầu thử nghiệm cách lọc thông tin.

“Tôi cũng giống như hầu hết các học sinh khác, rất thiếu kiên nhẫn. Nếu thông tin không thú vị, tôi sẽ ngừng đọc nó. Tôi chỉ muốn thấy thật nhanh những nội dung mình đang tìm kiếm” - đó là lý do D'Aloisio nghiên cứu, sáng tạo ra ứng dụng Summly.

D'Aloisio  sáng tạo ra Summly khi cậu 15 tuổi. Đó là ứng dụng có chức năng tóm tắt một bài viết dài thành ba đoạn ngắn, giúp người sử dụng đọc được nó trên màn hình điện thoại.

Summly, ban đầu được gọi là Trimit, xuất hiện vào tháng 11/2011 với số lượt tải về là 30.000 lượt. Phần mềm đã đoạt giải những ứng dụng tốt nhất trong kho ứng dụng di động của Apple và được nhà đầu tư Hồng Kông Li Ka-shing – (tỷ phú giàu thứ 8 thế giới) đầu tư với giá 300.000 USD.

D'Aloisio trở thành người trẻ tuổi nhất nhận được số vốn đầu tư đầy mạo hiểm này. D'Aloisio nói: “Li Ka-shing là “nhà đầu tư cho ước mơ”. Ông ấy đặt niềm tin vào một đứa trẻ”. Vài tháng sau, lần lượt các nhà đầu tư giàu có khác bao gồm Kutcher, Fry và Ono cũng tham gia đầu tư cho đứa trẻ 16 tuổi.



Thần đồng công nghệ D'Aloisi

Trước Summly, D'Aloisio đã đưa ra nhiều ứng dụng điện thoại thông minh khác, bao gồm dịch vụ khám phá âm nhạc SongStumblr và Facemood (ứng dụng phân tích các tài khoản cá nhân trên Facebook để xác định tâm trạng của chủ nhân).

Bí quyết thành công của Nick D'Aloisio

Nick D'Aloisio quyết gác lại việc học để tập trung vào Summly. “Nếu bạn để ý những người đi đầu trong việc sáng lập công nghệ trên toàn thế giới, bạn sẽ thấy một nửa trong số họ đã không hoàn thành bậc trung học hoặc đại học”, D'Aloisio chia sẻ.

Tuy nhiên, D'Aloisio  không cổ xúy cho việc bỏ học theo đuổi đam mê. D’Aloisio khẳng định sẽ vẫn tiếp tục sự nghiệp học hành. Cậu chia sẻ: “Giáo dục là thứ tôi rất quan tâm, vì vậy tôi sẽ theo đến cùng. Tôi sẽ quay lại trong thời điểm phù hợp. Với tôi, công nghệ là niềm đam mê. Hiện giờ, tôi đang có cơ hội để theo đuổi đam mê đó nên sẽ nắm bắt. Bỏ học để theo đuổi công nghệ có thể là một canh bạc, nhưng đó là canh bạc mà tôi đang chơi tốt”.

Nhà đầu tư Yahoo và Nick đã “nhìn xa trông rộng” khi  Summly không phải là một kho ứng dụng thông thường. Nó có khả năng trở thành công nghệ siêu biệt khi được phát triển trên nền tảng Yahoo với chức năng cung cấp tiện ích cho người sử dụng điện thoại di động thuộc các dòng thiết bị và hệ điều hành khác nhau.

Người ta cho rằng CEO Yahoo, bà Mayer, đã chi một khoản tiền quá hời cho Nick và những nhà đầu tư Summly. Nhưng với tập đoàn công nghệ lâu đời như Yahoo! thì việc có được Summly và cả Nick D’Aloisio là cơ hội hiếm có giúp họ theo kịp các tập đoàn công nghệ khác trong thế giới di động.

Nói về những sai lầm nên tránh đối với những người bắt đầu khởi nghiệp, D'Aloisio chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng nhiều người quá tập trung vào ý tưởng mà không chú ý đến giải pháp, không thực hiện theo kế hoạch rõ ràng. Số liệu, kế hoạch, và cách thức triển khai thực hiện cũng quan trọng không kém ý tưởng”.


D'Aloisio  cho rằng ý tưởng, tiền và xây dựng là 3 vấn đề lớn khi nghiên cứu công nghệ.

3 vấn đề lớn mà D'Aloisio đặc biệt chú ý khi nghiên cứu công nghệ là: ý tưởng, tiền và xây dựng. Đây cũng là điểm khác biệt về tư duy của cậu so với những người khác, đem lại thành công ngày hôm nay. Theo D'Aloisio:

Ý tưởng: Sẽ chẳng làm được gì nếu bạn không có ý tưởng. Tuy nhiên, ý tưởng ấy phải hữu ích với số đông người sử dụng chứ không phải chỉ với bạn. 

Tiền: Hầu hết mọi sự nghiệp đều bắt đầu từ nguồn tài trợ nhỏ của “gia đình, người thân và bạn bè”. Nếu ý tưởng của bạn có tính khả thi, bạn sẽ gây được quỹ nhiều hơn. Không ít người cho rằng, đầu quân cho một công ty nào đó sẽ giải quyết được vấn đề tài chính.

Tuy nhiên, họ đã quên một nguyên tắc rất đơn giản: Đối với khoản tiền lớn, hầu như các nhà đầu tư tiềm năng sẽ không chịu bỏ ra cho một cuộc chơi đầy mạo hiểm nếu họ không nhìn thấy điều gì có thể chứng minh tính khả thi.

Xây dựng: Đây là bước thực sự khó khăn. Thế hệ các kỹ sư máy tính ở Anh đã tạo ra cơn lốc phát triển của hàng loạt ứng dụng. Và để được chú ý, bạn phải có tổng hợp sự ưu việt của các ứng dụng đó như: sự hiểu biết về ngôn ngữ lập trình Objective-C (ngôn ngữ mặc định cho iOS (hệ điều hành của Apple)); Java, ngôn ngữ lập trình chính thức của Android...  Và dù ứng dụng của bạn không thành công, bạn vẫn sẽ có những kỹ năng để thực hiện nhiều ý tưởng tiếp theo.

Với kinh nghiệm của mình Nick D'Aloisio đưa ra lời khuyên cho những người định khởi nghiệp từ công nghệ: Muốn thành công, trước hết cần trang bị cho mình tất cả các kỹ năng cần thiết như lập trình, phát triển kinh doanh, thiết kế, marketing... Và một điều quan trọng là đừng sợ thất bại, không có trải nghiệm nào hữu ích bằng việc thử nghiệm và thất bại.

Nick D'Aloisio trở thành triệu phú khi mới 17 tuổi nhờ niềm đam mê công ngh của mình. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều cái tên khiến cả thế giới phải nể phục, như Cameron Johnson. Johnson đã trở thành "cỗ máy in tiền" từ lúc 15 tuổi và giờ đây, anh đang được biết đến là một trong những tỷ phú trẻ tuổi, giàu có nhất thế giới. Hãy cùng tìm hiểu về Cameron Johnson vào lúc 0h00 ngày 14/1/2015.

Theo Huyền Vũ/Dân Việt
Theo VTCNews

Bình Luận

Tất cả các nhận xét của các bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng tải, do vậy nhận xét của bạn gửi sẽ tạm thời chưa hiện nhé.

 
Lên