Những ngọn lửa ở thung lũng của Thổ Nhĩ Kỳ đã cháy liên tục không nghỉ ít nhất 2.500 năm qua, với nguyên nhân là tác động của một kim loại hiếm.

Yanartas là khu vực gần thung lũng Olympus, tây nam Thổ Nhĩ Kỳ, được biết đến với những ngọn lửa cháy quanh năm. Trong tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Yanartas có nghĩa là "hòn đá bốc cháy". Những ngọn lửa này được cho là nguồn cảm hứng của thi hào Homer khi sáng tạo nhân vật quái vật phun lửa Chimera trong trường ca Illiad.


Những ngọn lửa cháy tại Yanartas vào ban đêm. (Ảnh: Wikipedia)

Khí methane nuôi dưỡng ngọn lửa không hình thành từ quá trình sinh học thông thường. Thay vào đó, nguồn khí methane ở Yanartas được cho là hình thành từ mức nhiệt độ cao hơn so với điều kiện tại khu vực này.

Nghiên cứu mới đây của Giuseppe Etiope, một nhà khoa học của Viện Địa vật lý và Núi lửa quốc gia ở Rome, Italy, cùng các đồng nghiệp tại Đại học Bolyai (Rumani), có thể đã tìm ra câu trả lời. Nhóm chuyên gia cho rằng, Ruthenium, một kim loại hiếm được tìm thấy trong các hòn đá lửa dưới khu vực này, có thể đóng vai trò như một chất xúc tác. Trong phòng thí nghiệm, Ruthenium thúc đẩy sự hình thành khí methane ở nhiệt độ dưới 100 độ C, tương đương mức nhiệt ở Yanartas.

"Kết quả trên cho thấy việc hình thành khí methane có thể xảy ra ở nhiệt độ thấp hơn so với suy nghĩ thông thường", New Scientist dẫn lời Michael Whiticar, chuyên gia của Đại học Victoria, Canada, cho hay.

Theo Etiope, một số lượng đáng kể khí methane dạng này có thể còn tồn tại trên thế giới, mở ra triển vọng tìm kiếm nguồn cung cấp khí tự nhiên mới.

Theo Vnexpress

Bình Luận

Tất cả các nhận xét của các bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng tải, do vậy nhận xét của bạn gửi sẽ tạm thời chưa hiện nhé.

 
Lên