Thích Công Nghệ.Com - "Tôi đã hỏi Thủ tướng cao nhất khu vực Đông Nam Á hay châu Á? Đông Nam Á thì đương nhiên phải cao nhất rồi. Thủ tướng nói: Cao nhất châu Á!”

Tháp truyền hình Việt Nam dự kiến được xây dựng trên khu đất hơn 14 ha tại khu trung tâm đô thị Tây Hồ Tây, độ cao của tháp vào khoảng 636m, cao hơn 2 mét so với tháp truyền hình Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m). Được biết, hiện nay Sky Tree đang là tháp truyền hình cao nhất thế giới. Như vậy, khi hoàn thành, tháp truyền hình của Việt Nam sẽ phá kỷ lục, “đánh bật” Sky Tree của Nhật Bản, vươn lên trở thành Tháp truyền hình cao nhất trên toàn cầu.

"Khi nói chuyện về việc xây dựng tháp truyền hình, Thủ tướng nói tháp truyền hình sẽ phải cao nhất khu vực. Tôi đã hỏi Thủ tướng là cao nhất khu vực Đông Nam Á hay châu Á? Đông Nam Á thì đương nhiên sẽ là cao nhất rồi. Thủ tướng nói: Cao nhất châu Á”, ông Trần Bình Minh - Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam nói.


Tháp truyền hình Sky Tree ở Tokyo - Nhật Bản (634m)

Ông Minh còn chia sẻ thêm, việc xây dựng Tháp Truyền hình là mơ ước bấy lâu nay của Đài THVN và của không biết bao nhiêu thế hệ những người làm việc tại đây. "Tôi cũng tin đây là mong ước của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ. Vậy thì, chúng ta hãy cố gắng hết sức làm cho dự án này thành công.” – ông nói.

Trước đó, Thủ tướng đã đồng ý cho phép VTV và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lập công ty cổ phần để đầu tư dự án Tháp Truyền hình Việt Nam. Theo đó, VTV có quyền lựa chọn thêm đối tác là doanh nghiệp tư nhân có năng lực về tài chính tham gia góp vốn vào công ty cổ phần để khai thác kinh doanh dịch vụ này khi dự án đi vào hoạt động.

VTV và SCIC đã chọn Tập đoàn BRG để ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư nhằm tiến tới góp vốn, thành lập công ty cổ phần để chịu trách nhiệm, lập dự án tiền khả thi và chọn nhà thầu thi công công trình này.

Phần vốn góp của Đài Truyền hình Việt Nam trong công ty cổ phần là vốn huy động, vốn cổ phần hóa các doanh nghiệp của Đài Truyền hình Việt Nam. Trong khi đó, phần vốn góp của SCIC và BRG là vốn kinh doanh. Khi dự án có hiệu quả, ba bên được phép bán cổ phần để thu hồi vốn.

Công ty Niken Sekkei của Nhật Bản được chọn làm đơn vị thực hiện gói thầu "Lập dự án đầu tư", tư vấn thiết kế cho dự án đầu tư xây tháp truyền hình Việt Nam. Hợp đồng này đã được VTV ký kết vào tháng 8 năm ngoái.

Được biết, vị kiến trúc sư trưởng của Niken Sekkei chính là ông Shigeru Yoshino, người từng chịu trách nhiệm thiết kế tháp truyền hình Sky Tree - Nhật Bản. Ông Shigeru kỳ vọng công trình tại Việt Nam này sẽ mang những nét văn hóa riêng, cũng như phát triển hài hòa với khung cảnh xung quanh vì hiện đây là vùng đất trống.

Trước đó, tháp truyền hình Sky Tree đã mất 4 năm để hoàn thành với chi phí xây dựng tháp truyền hình là 40 tỷ Yên (khoảng 500 triệu $), còn chi phí tổng cộng cho việc giải tỏa, xây các công trình phụ xung quanh tháp, nhân công, trang trí… lên tới 65 tỷ Yên (khoảng 820 triệu $). Số tiền này sau đó được thu hồi từ tiền thuê cột antenna của sáu đài truyền hình, tiền vé tham quan của khách du lịch và tiền từ khu vui chơi xung quanh tháp.

Câu hỏi đặt ra, với tham vọng xây dựng tháp truyền hình cao nhất thế giới, Việt Nam phải đổ ra tổng cộng bao nhiêu tiền cho "công trình biểu tượng" này?

Bình Luận

Tất cả các nhận xét của các bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng tải, do vậy nhận xét của bạn gửi sẽ tạm thời chưa hiện nhé.

 
Lên