Trước khi iPhone 6/6Plus xuất hiện thì Apple được đồn đoán sẽ mang mặt kính sapphire lên hai mẫu smartphone cao cấp của họ, vậy câu hỏi đặt ra ở đây là lý do nào khiến Apple từ bỏ quyết định trên? Trang Wall Street Journal (WSJ) mới đây đã tìm hiểu ra được nguyên nhân chính, đó là do đối tác GT Advanced Technologies (GTAT) đã không đáp ứng đủ điều kiện cung ứng kính sapphire cho Apple.


Câu chuyện bắt đầu từ hơn một năm trước, Apple quyết định tìm kiếm một đối tác giúp họ sản xuất ra loại kính bảo vệ màn hình mới, cho độ bền và khả năng chống chịu trầy xước cao hơn nhiều lần so với chuẩn chung hiện nay, và cuối cùng tập đoàn công nghệ Mỹ chọn GT Advanced Techonologies làm đối tác chính trong kế hoạch này. Thực tế, Apple ban đầu muốn mua lại công cụ chế tạo kính sapphire (do GTAT thiết kế) rồi từ đó tự mình sản xuất, tuy nhiên vì một vài lý do, Apple giao toàn bộ trọng trách đó cho GTAT.

GTAT lúc này mới nhanh chóng thuê hàng trăm công nhân từ bên ngoài vào (khoảng 700 người), và điều đáng ngạc nhiên là cả 700 người này sau khi được thuê đều không biết mình làm việc này cho ai, ông chủ của họ là ai, và đặc biệt hơn, họ có quyền nghỉ tự do mà không bị phạt. Bên cạnh đó, áp lực từ việc sản xuất hàng loạt cho một tập đoàn quá lớn như Apple đã khiến cho GTAT cảm thấy áp lực thực sự, và như là điều tất yếu, họ đã thất bại trong việc cung ứng lượng kính sapphire.

Không những không thể cung ứng đủ lượng kính sapphire cho Apple, chỉ ba ngày trước khi ký hợp đồng, GTAT có sản xuất ra 262kg sapphire và cả 262kg này đều không thể nào dùng được do bị nứt vỡ cũng như chất lượng tệ hại. Nên nhớ, chất liệu kính sapphire rất khó để chế tạo và vô cùng tốn kém (tốn gần 1 tháng cũng như khoảng 20.000 USD cho một lượng nhỏ).

Hiện tại thì GT Advanced Technologies đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản, GTAT nói họ đang đốt một lượng tiền lớn vào nhà máy sản xuất kính sapphire tại bang Arizona mà hãng đã mở hồi năm ngoái cùng với Apple, chính vì thế GTAT muốn tòa cho phép đóng cửa cơ sở này. Bên cạnh đó, công ty cũng yêu cầu tòa cho phép họ chấm dứt hợp đồng với Apple, thứ được GTAT mô tả là "ngột ngạt và nặng nề". GTAT dự tính sẽ thoát khỏi tình trạng phá sản bằng cách tái cơ cấu lại bản thân mình xoay quanh các hoạt động kinh doanh chính, bao gồm cả việc bán các lò nung sapphire.

Như vậy qua câu chuyện trên, có thể thấy viêc bắt tay với một trong những tập đoàn có giá trị lớn nhất thế giới như Apple quả thật là điều không hề đơn giản. Ban lãnh đạo Apple luôn luôn đòi hỏi kính sapphire cung cấp cho họ phải đạt chất lượng cao, nhưng giá thành phải rẻ. Bên cạnh sự thiếu kinh nghiệm và năng lực từ GTAT, thì đây cũng được xem là nguyên nhân chính gây nên áp lực nặng nề cho GTAT.

Theo Wall Street Journal​
Theo Tinhte.vn

Bình Luận

Tất cả các nhận xét của các bạn sẽ được kiểm duyệt trước khi đăng tải, do vậy nhận xét của bạn gửi sẽ tạm thời chưa hiện nhé.

 
Lên